Nội Dung
Xác định rõ tầm quan trọng của dịch vụ logistics trong phát triển kinh tế – xã hội, tỉnh Bình Định chú trọng phát triển mạnh logistics gắn với hoàn thiện kết cầu hạ tầng giao thông, phát huy lợi thế của địa phương, thu hút nguồn lực, phát triển đa dạng các dịch vụ….
Bình Định phát triển logistics gắn với hoàn thiện hạ tầng giao thông
Điểm tựa cảng Quy Nhơn
Bình Định có hạ tầng logistics khá đa dạng và đồng bộ, gắn với 5 loại hình vận tải hàng hóa là đường biển, đường thủy nội địa, đường bộ, đường sắt, đường không.
Ông Nguyễn Đình Kha, Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Định cho biết, với lợi thế về điều kiện tự nhiên và hệ thống hạ tầng giao thông, đặc biệt là lợi thế từ cảng biển, địa phương đang tận dụng triệt để các yếu tố này để phát triển hệ thống dịch vụ logistics toàn diện.
Theo ông Kha, dịch vụ vận tải biển và vận tải kết nối cảng biển đang trở thành trụ cột chính, từng bước đưa Bình Định trở thành trung tâm logistics quan trọng của khu vực. Chính vì vậy, logistics ngày càng khẳng định vai trò thiết yếu và ảnh hưởng tích cực đối với nền kinh tế của tỉnh.
Với tầm quan trọng của dịch vụ logistics trong phát triển kinh tế – xã hội, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Kế hoạch phát triển dịch vụ logistics tỉnh Bình Định đến năm 2025.
Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo các ngành đẩy mạnh việc hoàn thiện kết cầu hạ tầng giao thông, thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng hệ thống kho hàng, bến bãi, cầu cảng, phát triển phương tiện vận tải nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu trong giai đoạn trước mắt cũng như về lâu dài; thu hút đầu tư của các doanh nghiệp có khả năng trực tiếp thực hiện toàn bộ các khâu trong chuỗi dịch vụ logistics…
Cụm cảng biển Quy Nhơn có tầm quan trọng đặc biệt trong phát triển logistics của Bình Định.
Cụm cảng biển Quy Nhơn hiện có 1 khu bến hoạt động là khu bến Quy Nhơn – Thị Nại, bao gồm 5 bến tổng hợp và 2 bến chuyên dùng đang khai thác. Trong đó, 2 bến cảng chính chiếm thị phần lớn nhất là cảng Quy Nhơn và cảng Thị Nại.
Cảng Quy Nhơn là cụm cảng lớn thứ 3 trên cả nước với lượng hàng hóa thông qua cảng hàng năm trên 10 triệu tấn. Theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2023, sản lượng hàng hóa qua cảng biển Quy Nhơn có xu hướng tăng.
Cụ thể, năm 2019, sản lượng hàng hóa qua Cảng biển Quy Nhơn đạt hơn 8,8 triệu tấn; năm 2023, con số này là hơn 10 triệu tấn. Số lượng tàu có trọng tải lớn công bố vào cảng, rời cảng biển này cũng tăng (năm 2019 là 204 tàu, năm 2023 là 217 tàu).
Sản lượng hàng thông qua Cảng Quy nhơn:
Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2024, sản lượng hàng thông qua cảng Quy Nhơn đạt 5,1 triệu tấn, đạt 44% kế hoạch năm 2024 và tăng 52% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, hàng container đạt 83.368 teus, đạt 46% kế hoạch năm 2024 và tăng 24% so với cùng kỳ năm 2023. Hầu hết các mặt hàng thông qua cảng đều tăng, đặc biệt, các mặt hàng xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao trong tổng sản lượng thông qua cảng như: dăm gỗ (162%), viên nén (132%) và hàng nội địa thức ăn gia súc (260%)…, góp phần vào sự tăng trưởng sản lượng thông qua cảng trung bình 1 triệu tấn/tháng.
Ông Lê Hồng Quân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn thông tin:
Công ty đã hoàn thành công bố mở cầu cảng số 1 – bến cảng Quy Nhơn bảo đảm tiếp nhận đồng thời 2 tàu 30.000 DWT đầy tải; mở và ổn định tuyến dịch vụ Trung Quốc – Indonesia – Thái Lan (CIT) của hãng vận tải biển Evergreen về khai thác tại cảng Quy Nhơn.
Theo ông Quân, trong thời gian qua, cảng Quy Nhơn cũng đã thu hút được một số mặt hàng mới như hàng đá granite, tole, thức ăn gia súc. Công ty đã khảo sát thị trường Tây Nguyên, tiếp cận nguồn hàng quặng sắt, vật liệu xây dựng.
Theo đánh giá, dịch vụ cảng biển tại cụm cảng Quy Nhơn phát triển mạnh. Tuy nhiên, dịch vụ sau cảng chưa được chú trọng phát triển đúng mức. Các cảng biển chỉ dừng lại ở các dịch vụ cơ bản như khai thác hàng, bốc xếp, vận chuyển hàng… mà chưa có các dịch vụ giá trị gia tăng cao sau cảng, đặc biệt là các trung tâm phân phối sau cảng.
Do vậy, Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2025 đã định hướng tỉnh cần tập trung khai thác hiệu quả cụm cảng Quy Nhơn gắn với phát triển hệ thống cảng cạn và hiện đại hóa dịch vụ cảng, tối đa hóa công suất hiện có; đồng thời, nghiên cứu xác định địa điểm và kêu gọi đầu tư xây dựng cảng mới có công suất lớn và đa năng.
Các kế hoạch cần triển khai của Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn:
Tại buổi làm việc với Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn vào giữa năm 2024, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đề nghị Công ty cần tập trung triển khai các kế hoạch, chiến lược phát triển thị trường khu vực Tây Nguyên đã đề ra.
Đồng thời, Công ty cần triển khai đánh giá chất lượng dịch vụ thông qua khảo sát ý kiến khách hàng, đưa ra các giải pháp, chính sách hợp lý nhằm hỗ trợ tối đa các yêu cầu của khách hàng để khách hàng có thể tăng sản lượng hàng hóa xuất, nhập thông qua cảng; quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, phương tiện, thiết bị đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển của doanh nghiệp.
Chờ xung lực mới
Sở Công thương tỉnh Bình Định chỉ ra, bên cạnh việc các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics ở tỉnh hầu hết là các doanh nhỏ và siêu nhỏ, chủ yếu cung cấp các dịch vụ vận tải nội mà địa phần lớn là đường bộ; các khu kho bãi, cảng cạn vẫn đang trong quá trình kêu gọi đầu tư… Hạ tầng giao thông vận tải vẫn đang đầu tư hoàn thiện, chưa đồng bộ cho vận tải đa phương thức đang là rào cản, khó khăn đối với việc phát triển logistics trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Ông Đặng Vĩnh Sơn khi còn là Trưởng ban Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Bình Định đã nhìn nhận, việc thu hút đầu tư vào tỉnh chưa được như kỳ vọng một phần liên quan đến hạ tầng giao thông chưa đáp ứng. Cụ thể, trong các đợt xúc tiến đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài thường đặt câu hỏi với tỉnh Bình Định là có chuyến bay quốc tế về đây hay không.
Theo ông Sơn, là về cảng biển. Cảng biển Quy Nhơn tuy là cảng biển lớn, nhưng rất nhiều ngành hàng, các doanh nghiệp phải chuyển vào TP.HCM để vận chuyển. Nguyên nhân có thể là không đủ chuyến và ngành hàng đó tại Bình Định không có chuyến đi thẳng.
“Hiện nay, lợi thế của tỉnh là giá thuế thấp, nhưng các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài thường chọn địa điểm có lợi thế về vận chuyển hơn”, ông Sơn chia sẻ.
Về giao thông đường bộ:
Về giao thông đường bộ, Quốc lộ 19 có chiều dài 240 km với điểm đầu tại cảng biển Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), điểm cuối tại cửa khẩu Lệ Thanh (tỉnh Gia Lai) là tuyến đường huyết mạch nối cảng biển Quy Nhơn với các tỉnh khu vực Tây Nguyên, Nam Lào, Bắc Campuchia.
Chính vì vậy, lãnh đạo tỉnh khẳng định, “Bình Định là cửa ngõ ra biển gần nhất và thuận lợi nhất của Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan”.
Phát huy vai trò của tuyến đường này, Bình Định đã triển khai và đang đẩy nhanh tiến độ Dự án Tuyến đường kết nối Quốc lộ 19 đến Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ Becamex VSIP Bình Định với mục tiêu hoàn thành vào cuối tháng 9/2025.
Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định khẳng định, trong tương lai, Khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ Becamex VSIP Bình Định sẽ tạo ra nhiều việc làm cho lao động địa phương và khu vực, đồng thời, cũng sẽ tạo ra lượng hàng hóa rất lớn với yêu cầu năng lực vận chuyển rất cao, đòi hỏi phải có hạ tầng giao thông tương thích để đảm bảo nhu cầu lưu thông hàng hóa.
Vì vậy, tuyến đường kết nối này giúp thúc đẩy giao thương hàng hóa từ Khu công nghiệp, đô thị dịch vụ Becamex Bình Định với các tỉnh Tây Nguyên và cảng Quy Nhơn.
Đại diện Sở Giao thông – Vận tải tỉnh Bình Định cũng cho biết, trong thời gian tới, tỉnh chủ trương triển khai hàng loạt các dự án giao thông quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội cũng như lĩnh vực logistics. Trong đó, Dự án Nâng cấp, mở rộng sân bay Phù Cát và Dự án Cao tốc Quy Nhơn – Pleiku do Bộ Giao thông – Vận tải làm cơ quan chủ quản và tỉnh đang tích cực phối hợp triển khai thực hiện.
Cụ thể, đối với Dự án Cao tốc Quy Nhơn – Pleiku:
Sở Giao thông -Vận tải đang phối hợp với các địa phương trong tỉnh tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Bình Định xem xét lựa chọn phương án tuyến.
Đối với Dự án Nâng cấp, mở rộng sân bay Phù Cát, UBND tỉnh Bình Định đang xin ý kiến để đầu tư đường cất hạ cánh số 2. Tỉnh kiến nghị Quốc hội xem xét thông qua cơ chế đặc thù giao UBND tỉnh Bình Định tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh số 2, các đường lăn nối và các công trình khác thuộc khu bay từ nguồn vốn ngân sách do tỉnh quản lý (tổng vốn đầu tư 3.013 tỷ đồng, kiến nghị nguồn vốn Trung ương hỗ trợ 1.500 tỷ đồng).
Liên quan đến kiến nghị này, mới đây, Bộ Giao thông – Vận tải cho biết, Bộ đã có công văn đề nghị các bộ, ngành liên quan phối hợp để thống nhất phương án giao UBND tỉnh Bình Định làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh số 2. Trên cơ sở ý kiến của các cơ quan liên quan, Bộ Giao thông – Vận tải sẽ tổng hợp, hoàn thiện và tham mưu Thủ tướng Chính phủ theo quy định.