Nội Dung
Cần đẩy mạnh phát huy lợi thế của cảng biển Quảng Ngãi
Năng lực chưa đáp ứng nhu cầu xuất nhập hàng hóa
Quảng Ngãi có hệ thống hạ tầng giao thông tương đối đồng bộ, bao gồm các tuyến QL1A, đường sắt Bắc- Nam, cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, QL24 nối liền các tỉnh Tây Nguyên và Nam Lào.
Đặc biệt tỉnh Quảng Ngãi còn nằm cạnh Cảng hàng không Chu Lai, cảng biển nước sâu Dung Quất có thể tiếp nhận tàu đến 100.000 DWT, là cửa ngõ quan trọng cho xuất nhập khẩu hàng hóa trong nước và quốc tế. Trong đó, bến cảng Dung Quất với kỳ vọng sẽ là cảng biển có quy mô hiện đại của khu vực với các bến cho tàu trọng tải từ 10.000 đến 50.000 tấn, tàu container có sức chở đến 4.000 TEU.
Theo Quy hoạch điều chỉnh đến năm 2020:
Tầm nhìn đến năm 2030, cảng Dung Quất có 14 bến cảng chính được đưa vào quy hoạch để đầu tư xây dựng, với mục tiêu trở thành cảng biển có quy mô và hiện đại. Tuy nhiên, sau nhiều năm đầu tư, đến nay, mới chỉ có 8 bến cảng đưa vào hoạt động, 6 bến cảng còn lại trong quy hoạch vẫn “nằm trên giấy”.
Ghi nhận của PV, ngoài nhóm bến cảng đang hoạt động sôi động như bến cảng của Công ty cổ phần Dịch vụ dầu khí, bến cảng tổng hợp – container Hòa Phát Dung Quất, bến cảng của Công ty cổ phần Cảng Quốc tế Gemadept, bến cảng của Công ty TNHH MTV Hào Hưng Quảng Ngãi…, thì phần còn lại của một số bến cảng trong quy hoạch vẫn hoang vắng, nhiều nơi chưa giải phóng mặt bằng.
Về vấn đề này, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu tư bến cảng tại Dung Quất chia sẻ:
Có nguyên nhân khách quan là hàng container xuất nhập khẩu trong tỉnh Quảng Ngãi chưa nhiều, nên các hãng tàu chưa thể mở được tuyến trung chuyển container nội địa, trung chuyển container quốc tế. Do đó, để bốc dỡ hàng hóa, doanh nghiệp ở Quảng Ngãi phải sử dụng các cảng biển ngoài tỉnh, bị gia tăng chi phí vận chuyển.
Theo Giám đốc Sở GTVT Quảng Ngãi Nguyễn Phong, hệ thống logistics chỉ mới đảm nhận được một số khâu cơ bản, chưa đảm nhận được vai trò là trung tâm tiếp nhận, bảo quản, phân phối hàng hóa. Mặt khác, hạ tầng luồng hàng hải còn hạn chế, luồng tàu hẹp, độ sâu hạn chế, trong khi đó, trọng tải tàu đi/đến cảng ngày càng lớn.
“Hầu như, tất cả các cảng đều có tình trạng chuẩn tắc luồng tàu chưa phù hợp với quy mô yêu cầu của cầu bến, do vậy không hấp dẫn được chủ hàng, chủ tàu, hạn chế rất lớn tới năng lực của hệ thống cảng”, ông Phong chia sẻ.
Ông Phong nhìn nhận, Cảng biển Quảng Ngãi nói chung và cảng biển Dung Quất nói riêng chưa được đầu tư theo kịp nhu cầu xuất và nhập hàng hóa cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, sẽ là trở ngại lớn đối với sự phát triển Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Cần đầu tư xứng tầm
Theo ông Nguyễn Quốc Trịnh, đại diện Công ty cổ phần Cảng tổng hợp Hòa Phát, hai bến cảng số 6 và 7 được đưa vào vận hành khai thác có ý nghĩa rất quan trọng, giải quyết được nhu cầu vận chuyển hàng hóa, dịch vụ logistics còn thiếu tại Khu kinh tế Dung Quất và khu vực lân cận. Nhờ thế, cảng đã góp phần khắc phục tình trạng doanh nghiệp trên địa bàn phải vận chuyển, tiếp nhận hàng hóa ở các cảng khác ngoài tỉnh như vừa qua.
Trong đó, 2 bến cảng này chủ yếu phục vụ cho Công ty Cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất chiếm hơn 80%, và phần còn lại giải quyết cho một số doanh nghiệp lân cận.
Ông Trịnh cho rằng, cảng biển Dung Quất đang bị thiếu năng lực, hiện trạng các cầu cảng ở đây không đáp ứng được trọng tải hàng hóa. Cảng Dung Quất cần đầu tư thêm bến cảng, mở rộng các bến cảng số 4, 5, mở đường cho tàu container vào tiếp nhận hàng hoá. Cùng với đó phải đầu tư kho bãi, nâng cấp hạ tầng giao thông hơn nữa như vậy mới tạo ra cơ hội phát triển.
Chỉ ra lý do cảng chưa phát huy hết tiềm năng:
Về vấn đề này, Giám đốc Sở GTVT Quảng Ngãi Nguyễn Phong chỉ ra lý do cảng Dung Quất chưa phát huy hết tiềm năng là do nguồn lực đầu tư từ ngân sách còn hạn chế, chưa đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển và thu hút đầu tư. Theo ông, hiện nay, hạ tầng kết nối của Quảng Ngãi cơ bản đảm bảo lưu thông, nhưng để ngành logistics phát triển thì cần đầu tư, tháo gỡ các điểm nghẽn quan trọng.
Cụ thể hơn:
Cụ thể, cần sớm hoàn thành nút giao Trì Bình – Dung Quất thuộc Dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, đầu tư Quốc lộ 24 kết nối từ Kon Tum về cảng Dung Quất, mở rộng Quốc lộ 24C nối Quốc lộ 1, sớm đầu tư đường cao tốc CT22 từ cảng Dung Quất đi cửa khẩu Bờ Y và cửa khẩu quốc tế Nam Giang…
“Nếu đầu tư hạ tầng kết nối được như vậy, thì lượng hàng hóa mới tập trung về cảng Dung Quất nhiều hơn và khai thác triệt để cảng biển Dung Quất, từng bước hướng đến trung tâm vận chuyển hàng hóa của khu vực. Để phát triển logistics, phải đáp ứng vận chuyển vận tải hàng hóa nhanh nhất và giá thành rẻ nhất, do đó, rất cần Nhà nước và doanh nghiệp đầu tư, tháo gỡ các điểm nghẽn trên”, ông Phong nói.
Quảng Ngãi đang tiếp tục huy động các nguồn lực, tập trung kêu gọi đầu tư để xây dựng hoàn thiện hệ thống hạ tầng cảng biển. |
Ngoài việc bố trí khoảng 100 ha để làm kho bãi, ông Phong cho hay, Quảng Ngãi đang tập trung xây dựng logistics tại Dung Quất. Tuy nhiên, do có sự thay đổi luật, nên công tác lựa chọn nhà đầu tư, bồi thường mặt bằng kéo dài, dẫn đến các khu bãi hàng thực hiện chậm.
Tại buổi làm việc với tỉnh Quảng Ngãi mới đây, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp yêu cầu, Quảng Ngãi cần dành nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng liên hoàn, đồng bộ; tăng cường đầu tư vào phát triển hậu cần, trong đó, khai thác triệt để lợi thế cảng nước sâu Dung Quất, cảng hàng không Chu Lai để xây dựng nơi đây trở thành trung tâm logistics của cả vùng.