Nội Dung
Cảng biển đón mùa xuất nhập khẩu cuối năm
(ĐTCK) Cuối năm, hoạt động xuất nhập khẩu thường nhộn nhịp, sản lượng vận chuyển của các doanh nghiệp vận tải biển kỳ vọng sẽ gia tăng và mang lại kết quả kinh doanh khả quan.
Động lực từ hoạt động giao thương phục hồi
Hoạt động thương mại quốc tế phục hồi, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số trong nhiều tháng liên tiếp là động lực lớn cho ngành cảng biển. Theo Tổng cục Thống kê, 9 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá cả nước đạt 299,63 tỷ USD, tăng 15,4%; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 278,84 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU… có đà tăng trưởng tốt. Đây là yếu tố thuận lợi cho hoạt động của ngành cảng biển, với sản lượng đơn hàng vận chuyển tăng.
Thực tế, hoạt động của các doanh nghiệp vận tải biển trở nên nhộn nhịp hơn với sự sôi động của thị trường xuất nhập khẩu. Trong khi đó, hạ tầng cảng biển của Việt Nam ngày càng được phát triển, mở rộng dư địa cho ngành có bước đột phá.
Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết:
Hoạt động logistics của Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua. Việt Nam có 3 cảng biển lọt vào Top 50 cảng biển biển lớn nhất thế giới, gồm cảng Hải Phòng, cảng TP.HCM và cảng Cái Mép. Số lượng các kho bãi tăng lên đáng kể và được trang bị hiện đại, quy mô xử lý hàng hóa cao.
Về giá cước, từ tháng 7/2024 đến nay, giá cước vận tải biển có diễn biến điều chỉnh giảm, riêng tuyến đi châu Mỹ giảm 43%. Giá cước giảm mạnh trong bối cảnh giá dầu giảm, nhưng vẫn đang ở mức cao so với giai đoạn trước đó. Cụ thể, giá cước container 40 feet hiện thấp hơn 50% so với đỉnh điểm trong đại dịch Covid-19 hồi tháng 9/2021, nhưng cao hơn 250% so với mức giá bình quân năm 2019 (trước dịch).
Giai đoạn cuối năm 2024, nhu cầu tiêu dùng trên thế giới thường tăng cao, kỳ vọng sẽ kéo theo nhu cầu vận chuyển bằng đường biển tăng lên.
Doanh nghiệp mạnh tay đầu tư đón sóng tăng trưởng
Trong tháng 9/2024, Công ty cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An (Hải An, mã HAH) đã phê duyệt chủ trương đầu tư thêm tàu container đã qua sử dụng, cỡ Panamax (3.500 – 5.000 TEU) để chuẩn bị cho việc mở rộng hoạt động.
Trước đó, tháng 7/2024, Hải An đã nhận tàu Opus – tàu đóng mới cuối cùng trong dự án 4 tàu được nhận từ cuối năm 2023 đến nay. Với 4 tàu được bổ sung, công suất đội tàu của Công ty tăng 45% so với đầu năm 2023.
Hiện tại, Hải An có 7 tàu cho thuê định hạn (chiếm 53% năng lực đội tàu), trong 4 tàu mới có 2 tàu cho thuê (Anbien Sky và Opus) và 2 tàu tự khai thác (Alfa và Beta). So với năm 2023 chỉ có tuyến từ cảng Hải Phòng đi các cảng Hongkong, Nansha và Qinzhou thì năm 2024, Công ty đã mở thêm tuyến từ các cảng tại TP.HCM, Đà Nẵng đi Nansha, Quinzhou, cũng như tuyến nội địa từ cảng Nghi Sơn đi cảng Hải Phòng, TP.HCM, Cái Mép – Thị Vải.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Gemadept (mã GMD) duy trì được mức tăng trưởng sản lượng qua cảng.
Gemadept là gì?
Gemadept là doanh nghiệp hàng đầu trong ngành khai thác cảng biển, logistics của Việt Nam, với sản lượng năm 2023 đạt hơn 3 triệu TEU. Doanh nghiệp sở hữu chuỗi cảng tại cả 3 miền Bắc – Trung – Nam, đa dạng loại hình từ cảng cạn đến cảng sông, cảng biển, đặc biệt là cảng nước sâu Gemalink có thể đón được tàu thế hệ Megaship lớn nhất hiện nay.
Điểm nhấn tăng trưởng của Gemadept được Công ty Chứng khoán SSI chỉ ra là cảng Gemalink và Nam Đình Vũ, cả hai đều đang hoạt động hết công suất (lần lượt là 1,5 triệu TEU/năm và 1,2 triệu TEU/năm).
Với cảng Nam Đình Vũ 3, SSI dự báo, Gemadept sẽ đưa cảng vào hoạt động từ cuối năm 2025. Về cảng này, VCBS nhận định, thời gian để Nam Đình Vũ 3 đạt trên 70% công suất có thể phải mất 2 – 3 năm, do tình trạng cạnh tranh tại cảng Hải Phòng sẽ gay gắt hơn khi bến Lạch Huyện 3 và 4 dự kiến bắt đầu khai thác từ giữa năm 2025, với công suất 1,2 triệu TEU.
Trong khi đó, Gemalink 2A có thể sẽ chỉ mất hơn 1 năm để đạt trên 70% công suất, do Gemalink 1 bắt đầu phải hoạt động vượt công suất và trong 3 năm tới, khu vực Cái Mép – Thị Vải (Bà Rịa – Vũng Tàu) dự kiến không có thêm dự án mới được triển khai (các dự án lớn như Cái Mép Hạ hay cảng Cần Giờ hiện chưa có tiến triển, nếu được phê duyệt cũng cần ít nhất 3 năm để có thể đưa vào hoạt động).
Tại Công ty cổ phần Tập đoàn container Việt Nam (Viconship, mã VSC), sản lượng hàng thông qua cảng đang có sự tăng trưởng. Công ty Chứng khoán DSC ước tính, năm 2024, Viconship sẽ đạt doanh thu 2.458 tỷ đồng, tăng 12,7%; nhuận sau thuế 257 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2023, hoàn thành kế hoạch đề ra.
Động lực tăng trưởng của Viconship:
Động lực tăng trưởng của Viconship là sản lượng hàng hóa thông qua khu vực Hải Phòng có triển vọng tăng mạnh và việc cắt giảm thuê ngoài dịch vụ bốc xếp khi đã hoàn tất thâu tóm cảng Nam Hải Đình Vũ, giúp Công ty tối ưu chi phí.
Hiện Viconship sở hữu 5 cảng với tổng công suất thiết kế 2,45 triệu TEU, xấp xỉ 30% tổng công suất cụm cảng Hải Phòng. Công ty Chứng khoán DSC ước tính, công suất khai thác cảng Nam Hải Đình Vũ năm 2024 sẽ đạt 40%, chủ yếu nhờ nguồn hàng chuyển từ 2 cảng chính khác của Viconship. Sản lượng khai thác các năm sau đó dự kiến sẽ tăng nhẹ do thách thức từ cạnh tranh khu vực cũng như khó khăn trong tìm kiếm khách hàng mới.
Xem thêm:Xem thêm>>>
Những loại tàu vận tải đường biển phổ biến nhất
Vận tải đường biển từ cảng Hồ Chí Minh đi Cảng La Spezia