ng Nguyễn Cảnh tĩnh cho rằng, cảng Cần Giờ không chỉ rút ngắn quá trình vận chuyển và giảm mạnh chi phí logistics của hàng hóa nội địa, mà còn mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
“VIMC rất mong chờ Thủ tướng phê duyệt dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và đề nghị TP HCM sớm hoàn thiện các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư. Đây sẽ là bước đi quan trọng để nâng tầm ngành hàng hải Việt Nam, cạnh tranh sòng phẳng với các cảng biển lớn trên thế giới”, ông Tĩnh nói và thông tin thêm rằng khi đi vào hoạt động, cảng Cần Giờ cùng với cụm cảng Cái Mép – Thị Vải sẽ trở thành 1 tổ hợp cảng giúp nâng cao tính cạnh tranh của ngành hàng hải Việt Nam, tái định tuyến lại bản đồ hàng hải của khu vực hiện tại và tương lai là Nội Á.
Ngoài ra, cụm cảng còn giúp hàng hóa Việt Nam giảm sự phụ thuộc vào trung chuyển qua Singapore, tạo ra những tuyến vận chuyển hàng đi thẳng quốc tế từ Việt Nam và gia tăng đáng kể năng lực cạnh tranh của hàng hóa nội địa trên thị trường quốc tế.
Phát triển đội tàu và hợp tác quốc tế
Cùng với việc nâng cấp hạ tầng cảng biển, VIMC cũng đặt mục tiêu phát triển nhanh đội tàu biển quốc gia thông qua chiến lược hợp tác với các hãng tàu lớn nhất thế giới. Bằng cách này, VIMC không chỉ tận dụng được tệp khách hàng lẫn thị trường sẵn có của đối tác mà còn mở rộng mạng lưới vận tải nhanh chóng và nâng cao năng lực cạnh tranh. Bởi hợp tác quốc tế không chỉ giúp Việt Nam tiếp cận với công nghệ vận tải tiên tiến mà còn đảm bảo tính hiệu quả trong khai thác vận tải.
Theo lãnh đạo VIMC, các dự án cảng nước sâu không chỉ tạo ra công ăn việc làm mà còn thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp phụ trợ, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
‘Ông trùm’ vận tải biển Việt Nam tin siêu cảng Cần Giờ vượt Singapore ảnh 4
VIMC đặt mục tiêu phát triển nhanh đội tàu biển quốc gia thông qua chiến lược hợp tác với các hãng tàu lớn nhất thế giới. Ảnh: Lộc Liên.
Để hiện thực hóa chiến lược nâng tầm vị thế ngành hàng hải Việt Nam, ông Tĩnh cho rằng VIMC cần sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ, các bộ ngành. Đặc biệt, những cơ chế chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp lớn như phân cấp phân quyền mạnh mẽ cho đại diện vốn chủ sở hữu, trao quyền tự quyết cho doanh nghiệp là điều kiện tiên quyết để các tập đoàn Việt Nam vươn ra biển lớn.
“Chúng tôi tin rằng, với sự đồng hành từ Chính phủ và các bộ ngành, VIMC sẽ không chỉ đạt được các mục tiêu kinh doanh mà còn góp phần nâng tầm vị thế hàng hải Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Tĩnh bày tỏ.
Lộc Liên