Nội Dung
Tin tức vận tải biển: Chiến lược mở rộng quy mô tiếp tục là trọng tâm hoạt động
Trẻ hóa đội tàu là bước đi chiến lược của PVTrans gần đây. Tính từ 2021 đến tháng 6/2024, PVTrans đã nâng cấp đội tàu chở dầu với tổng cộng 18 tàu mới (và thêm 9 tàu khác theo hình thức thuê mua), nâng tổng công suất thêm 65%.
Trong nửa cuối năm 2024 (Tin tức vận tải biển):
PVTrans có kế hoạch mua 01 tàu Handymax (20.000 DWT) và 01 tàu tầm trung (50.000 DWT) cho mảng tàu chở dầu sản phẩm/hóa chất, 03 tàu chở hàng rời và 01 tàu chở LPG. Trong số đó, PV Trans đã mua tàu NV Apollo (21.300 DWT) 14 năm tuổi vào tháng 7/2024, giúp tăng công suất đội tàu chở dầu sản phẩm/hóa chất của công ty thêm 5% lên 467.000 DWT.
Nhận định về thị trường vận chuyển dầu thô trong nước, PVTrans kỳ vọng nửa cuối năm 2024 sẽ ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan hơn so với nửa đầu năm do Nhà máy Lọc Dầu Dung Quất (của CTCP Lọc hóa Dầu Bình Sơn) sẽ hoạt động với công suất và hiệu quả tối đa sau bảo dưỡng tổng thể kéo dài gần 2 tháng. Đây là khách hàng vận chuyển dầu thô lớn nhất của PV Trans.
Về thị trường quốc tế:
PVTrans đánh giá thị trường sẽ diễn biến tích cực vào năm 2024 do nhu cầu tăng trưởng theo tấn-dặm vượt xa mức tăng trưởng nguồn cung tàu chở dầu. 7 tháng đầu năm nay, giá thuê tàu định hạn Aframax trung bình (mức chuẩn cho tàu chở dầu thô) tăng 9% so với cùng kỳ. Trong năm 2025, mặc dù tổng đội tàu chở dầu tăng, nhưng mức tăng trưởng nhu cầu vẫn cao hơn một chút so với mức tăng trưởng nguồn cung, cho thấy thị trường vẫn tăng trưởng ổn định.
Tương tự, thị trường vận chuyển sản phẩm dầu và hoá chất được nhận định vẫn ở mức tích cực trong giai đoạn 2024 – 2025 khi nhu cầu vận chuyển tiếp tục vượt xa mức tăng trưởng nguồn cung tàu chở dầu. 7 tháng đầu năm nay, giá tàu chở dầu tầm trung (mức chuẩn cho tàu chở dầu sản phẩm, hóa chất) tăng 8% so với cùng kỳ, giá tàu chở dầu Handymax (mức chuẩn cho tàu chở hóa chất) tăng 12% so với cùng kỳ. Ngoài ra, hãng nghiên cứu thị trường Clarkson dự báo giá tàu chở hóa chất sẽ tăng 7%/2%/2% trong giai đoạn 2024 – 2026.
Tính đến cuối tháng 6/2024 (Tin tức vận tải biển):
PVTrans đang khai thác hơn 52 tàu với tổng trọng tải 1,4 triệu DWT đa số hoạt động trên các tuyến hàng hải quốc tế. Trong kế hoạch đầu tư của Tổng công ty, giai đoạn 2024-2025, PVTrans dự kiến đầu tư 819 triệu USD để tiếp tục mở rộng quy mô hoạt động lên 82 tàu, tương đương tổng công suất đến 2,5 triệu DWT. Trong đó, kế hoạch đầu tư của riêng năm 2024 là 492 triệu USD cho việc phát triển 21 tàu mới. Con số này dùng để chi mua 13 tàu chở dầu, hoá chất, 4 tàu chở dầu khí hoá lỏng (LPG) và 4 tàu chở hàng rời.
PVTrans hiện sở hữu đội tàu chở dầu lớn nhất Việt Nam và kiểm soát phần lớn thị phần mảng vận tải dầu thô của Nhà máy lọc dầu Dung Quất, chiếm 30% thị phần vận tải dầu sản phẩm, 100% thị phần vận tải khí hóa lỏng, 10% thị phần vận tải than và 10% thị phần kho chứa dầu nổi (FSO). Hiện doanh nghiệp đang nhắm đến mở rộng ra thị trường vận tải quốc tế, với mục tiêu doanh thu quốc tế chiếm ít nhất 70% tổng nguồn thu.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch HĐQT PVTrans Phạm Việt Anh:
dù nắm giữ vị thế là đơn vị vận tải biển hàng lỏng số 1 Việt Nam nhưng quy mô đội tàu hiện tại của PVTrans vẫn còn khá khiêm tốn trong khu vực và thế giới. Hơn nữa, xu hướng chuyển dịch năng lượng và các yêu cầu cam kết quốc tế COP26 về việc giảm lượng phát thải CO2 vào năm 2030 – 2050, cũng tạo ra những cơ hội và thách thức cho các công ty shipping, trong đó có PVTrans.
Để tồn tại và phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, PVTrans buộc phải tái cấu trúc, liên tục đầu tư, đổi mới và trẻ hóa đội tàu. Đối với ngành logistics, nhu cầu về hạ tầng cầu cảng, kho bãi được kỳ vọng tăng trưởng ở mức khả quan nhờ hưởng lợi từ sự phục hồi hoạt động thương mại cũng như làn sóng đầu tư nước ngoài (FDI). Do đó, bên cạnh việc tập trung phát triển lĩnh vực cốt lõi là vận tải biển, PVTrans đang xem xét mở rộng chuỗi hoạt động ở mảng logistics, cảng biển, cảng cạn… thông qua hình thức mua bán sáp nhập (M&A), hợp tác (góp cổ phần, liên doanh, liên kết) với các đối tác.
Do vậy, giai đoạn 5 năm tiếp theo đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035:
PVTrans định hướng gia tăng quy mô thông qua tái cơ cấu nâng cao chất lượng đội tàu với trọng tâm hướng đến các phân khúc tàu có trọng tải lớn hơn, trẻ tuổi hơn, sử dụng năng lượng sạch hơn. Mục tiêu là phát triển PVTrans không chỉ là một đơn vị vận tải biển lớn mạnh mà còn hướng tới trở thành một đơn vị sở hữu chuỗi logistics toàn diện, phù hợp với xu thế của thị trường./.
Xem thêm>>>