Nội Dung
Kênh đào Panama – tuyến đường biển quan trọng trong việc giao thương hàng hóa giữa hai đại dương
Tổng quan về kênh đào Panama:
Sau 8 năm thi công gian nan và sử dụng hết 14.000 tấn thuốc nổ để bóc gỡ hơn 150 triệu m3 đất đá, cuối cùng công trình đã hoàn tất với tổng kinh phí là 386 triệu USD bao gồm các thiết bị hỗ trợ giúp vận hành kênh. Nếu vận chuyển khối lượng đất đá này trên tàu hỏa thì đoàn tàu sẽ phải dài gấp bốn lần chu vi của Trái đất và có thể dựng nên một bức tường như Vạn Lý Trường Thành. Mức thiệt hại về người cũng được liệt vào hàng kỷ lục.
Kích thước của kênh đào:
Hiện nay, kích thước lớn nhất của các tàu có thể qua kênh đào là: Chiều rộng 32,3 m, mớn nước 12 m nước ngọt, chiều dài 294,1 m.
Khi chưa có kênh đào, các phương tiện phải đi đường vòng qua mũi Horn ở cực nam Chile thuộc Nam Mỹ, vượt qua quãng đường dài 26.000km. Nhưng từ khi khánh thành, một con tàu chở than khởi hành từ đông bắc Hoa Kỳ sang Nhật Bản sẽ tiết giảm quãng đường đi tới 3.000 dặm (4.800km), hay một con tàu chở chuối từ Ecuador qua châu Âu cũng rút ngắn được 5.000 hải lý (8.000km).
Ý nghĩa của việc tạo ra kênh đào Panama:
Trong quyển sách của Sử gia người Mỹ David McCullough đã nói rằng: Việc xây dựng kênh đào nối liền Đại Tây Dương và Thái Bình Dương có ý nghĩa hơn việc tạo ra một kỳ công to lớn chưa từng có của ngành xây dựng. Bởi kênh đào có tầm quan trọng lịch sử to lớn, nó giống như tầm quan trọng của một cuộc chiến, và nó đã ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng chục ngàn người, không phân biệt đẳng cấp, thuộc mọi chủng tộc và quốc tịch khác nhau.
Lợi ích của kênh đào Panama:
Sự ra đời của kênh đào Panama được coi là một cuộc cách mạng trong giao thông đường biển của thế giới. Nhờ có “công trình thế kỷ” này, tàu chở hàng không phải đi qua Nam Mỹ và mũi Kap Horn nguy hiểm, rút ngắn đường đi giữa hai đại dương.
Mặc dù đã được nâng cấp rất nhiều lần, nhưng kênh đào Panama vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu vận tải biển ngày càng tăng. Chính vì vậy, ngày 3/9/2007, Panama đã tiến hành khởi công dự án trị giá 5 tỷ đô la Mỹ để mở rộng kênh đào Panama. Đây là dự án nâng cấp, mở rộng quy mô lớn nhất kể từ khi con kênh đào này được đưa vào sử dụng.
Ngày 19/10/2011, dự án này đã hoàn thành giai đoạn 1 với chiều dài 1,6km, rộng 218m, cao 9,14m so với mực nước biển và được xem là lối vào của đoạn kênh mở rộng. Phần còn lại của đoạn kênh mở rộng dài 6,1km.
Kênh đào sau khi được mở rộng:
Sau khi công việc mở rộng kênh đào Panama hoàn tất vào năm 2015, lưu lượng tàu bè qua con kênh này tăng gấp đôi và tiếp nhận những con tàu biển khổng lồ, chiếm ưu thế hoàn toàn trong vận tải biển của thế giới trong vòng 25 năm tới.
Hơn 100 năm kể từ khi mở cửa, kênh đào này vẫn tiếp tục thu được thành công lớn, tiếp tục là đầu mối liên kết thiết yếu trong thương mại thế giới, chở nhiều hàng hóa hơn trước đây với chi phí giảm xuống. Năm 1934, người ta ước tính rằng khả năng chuyên chở tối đa của nó là khoảng 80 triệu tấn một năm, song lưu thông của kênh đào này năm 2005 là khoảng 278,8 triệu tấn hàng hải.
Với vị trí độc đáo nằm ở đoạn hẹp nhất châu Mỹ, kênh đào Panama đã góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế và thương mại thế giới trong suốt hơn một thế kỷ qua. Thời gian tàu qua kênh kéo dài trong khoảng từ 8 đến 10 tiếng đồng hồ.
Được biết, Hiệp hội Kỹ sư dân dụng toàn Hoa Kỳ vào đầu năm 2012 đã bình chọn kênh đào Panama vào danh sách 7 kỳ quan mới của thế giới hiện đại.
Hương Giang (tổng hợp)
Đọc thêm: Vận chuyển LCL Hồ Chí Minh đi Shanghai