Nội Dung
Thế nào là tạm xuất tái nhập hàng hóa?
1.Tạm xuất tái nhập hàng hóa
Thương nhân được tạm xuất, tái nhập hàng hóa để sản xuất, thi công, cho thuê, cho mượn hoặc để sử dụng vì mục đích khác theo các quy định sau:
+ Đối với hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu; hàng hóa thuộc diện quản lý bằng biện pháp hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu, hạn ngạch thuế quan, giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, trừ Giấy phép xuất khẩu tự động, Giấy phép nhập khẩu tự động, thương nhân phải được Bộ Công Thương cấp Giấy phép tạm xuất, tái nhập. Hồ sơ, thủ tục cấp Giấy phép quy định tại Điều 19, Điều 20 Nghị định 69/2018/NĐ-CP.
+ Trường hợp hàng hóa không thuộc quy định trên, thương nhân thực hiện thủ tục tạm xuất, tái nhập tại cơ quan hải quan, không phải có Giấy phép tạm xuất, tái nhập.
– Thương nhân được tạm xuất, tái nhập hàng hóa còn trong thời hạn bảo hành theo hợp đồng nhập khẩu hoặc theo hợp đồng, thỏa thuận bảo hành ký với nước ngoài để phục vụ mục đích bảo hành, bảo dưỡng, sửa chữa. Thủ tục tạm xuất, tái nhập thực hiện tại cơ quan hải quan, không phải có Giấy phép tạm xuất, tái nhập.
– Trường hợp hàng hóa không còn trong thời hạn bảo hành theo hợp đồng nhập khẩu hoặc theo hợp đồng, thỏa thuận bảo hành, việc tạm xuất, tái nhập ra nước ngoài để bảo hành, bảo dưỡng, sửa chữa thực hiện theo quy định sau:
+ Đối với hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu; hàng hóa thuộc diện quản lý bằng biện pháp hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu, hạn ngạch thuế quan, giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, trừ Giấy phép xuất khẩu tự động, Giấy phép nhập khẩu tự động, thương nhân phải được Bộ Công Thương cấp Giấy phép tạm xuất, tái nhập. Hồ sơ, thủ tục cấp Giấy phép quy định tại Điều 19, Điều 20 Nghị định này.
+ Hàng tiêu dùng đã qua sử dụng; linh kiện, phụ tùng đã qua sử dụng thuộc Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu không được phép tạm xuất ra nước ngoài để bảo hành, bảo dưỡng, sửa chữa.
+ Trường hợp hàng hóa không thuộc quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản này, thương nhân thực hiện thủ tục tạm xuất, tái nhập tại cơ quan hải quan, không phải có Giấy phép tạm xuất, tái nhập.
– Thương nhân được tạm xuất, tái nhập hàng hóa ra nước ngoài để tham dự hội chợ, triển lãm thương mại. Thủ tục tạm xuất, tái nhập thực hiện tại cơ quan hải quan, không phải có Giấy phép tạm xuất, tái nhập.
Riêng hàng hóa cấm xuất khẩu chỉ được tham gia hội chợ, triển lãm thương mại ở nước ngoài khi được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.
2. Thủ tục tạm xuất, tái nhập hàng thay thế
Hướng dẫn thủ tục, chính sách thuế đối với trường hợp hàng hóa tạm xuất để sửa chữa nhưng không tái nhập, nhà cung nước ngoài cấp trả cho Công ty sản phẩm mới:
– Đối với hàng hóa đã tạm xuất nhưng không tái nhập: Thực hiện thủ tục xuất khẩu hàng hóa (mã loại hình B12- Xuất sau khi đã tạm xuất) tại Chi cục Hải quan nơi mở tờ khai tạm xuất theo quy định tại mục 5 chương III Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2015, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 của Chính phủ. Trường hợp tờ khai được phân vào luồng đỏ thì Chi cục trưởng Chi cục Hải quan quyết định việc không kiểm tra thực tế hàng hóa.
– Đối với hàng hóa mới nhập về để thay thế: Thực hiện thủ tục nhập khẩu (không phải tái nhập) hàng hóa thông thường quy định tại mục 5 Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2015, đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 của Chính phủ và Thông tư số 38/2015/TT- BTC ngày 25/3/2015, Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính.
– Chính sách thuế thực hiện theo quy định đối với từng loại hình xuất khẩu, nhập khẩu tương ứng tại Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 18/2021/NĐ-CP ngày 11/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
3.Quy trình tạm xuất tái nhập
Quy trình Tạm Xuất – Tái Nhập cho một lô hàng cơ bản (gồm các dạng xuất đi sửa chữa, cho đi thuê, cho đi dạng triễn lãm, hàng bảo hành sữa chữa…). Đây là một dạng xuất nhập khẩu khá phổ biến, nhất là với các công ty mới thành lập, cần đem sản phẩm đi quảng bá hình ảnh, hoặc những công ty chuyên sửa chữa, thuê và cho thuê máy móc...
Bước 1: cần lưu ý, chúng ta phải xác định thật rõ nhu cầu xuất đi. Vì hàng này yêu cầu phải tái nhập, nếu không sẽ rất lằng nhằng nếu xuất đi rồi mới phát hiện là hàng không cần tái nhập về.
Các nhu cầu mà theo kinh nghiệm của mình là nên làm theo loại hình này:
– Hàng cần đem đi qua nước ngoài sửa chữa (cần có hợp đồng sửa chữa)
– Hàng cần đem đi qua nước ngoài bảo hành (cần có hợp đồng mua bán có điều khoản bảo hành còn hiệu lực)
– Hàng cần đem đi triễn lãm nhưng sẽ phải tái nhập về (phải có giấy mời, thư bảo lãnh, hợp đồng thuê mướn…-tùy theo trường hợp).
– Hàng đem đi cho đối tác nước ngoài thuê có thời hạn (phải có hợp đồng cho thuê – ghi rõ thời hạn thuê).
– Hàng đem qua nước ngoài kiểm tra, test, lấy mẫu phân tích (dạng này bạn phải chắc chắn phải tái nhập về nếu kiểm tra đạt / không đạt, test đủ tiêu chuẩn/ không đủ tiêu chuẩn…)
Trong thực tế sẽ có rất nhiều nhu cầu khác nhau, mình có thể chưa va chạm hoặc chưa làm nên sẽ không có trong bài viết này.
Bước 2: sau khi xác định rõ là hàng làm theo dạng tạm xuất – tái nhập, các bạn phải chuẩn bị đầy đủ các chứng từ như sau:
– Hợp đồng sửa chữa, hợp đồng bảo hành, hợp đồng thuê mướn… (đã nêu ở trên)
– Commercial Invoice được cung cấp từ công ty các bạn. Giá trị hàng hóa tùy theo các bạn cho, có thể là 100% giá trị nếu hàng mới mua chưa sử dụng mà bị lỗi hay hàng đem đi triễn lãm, hoặc chỉ còn 10-20% giá trị ban đầu do có khấu hao sử dụng. Lưu ý là không nhất thiết giá hàng hóa phải cao hơn giá sửa chữa (trong trường hợp sửa chữa). Giải thích là do hàng hóa đã được khấu hao tài sản.
– Packing List
– Công văn xin tạm xuất – tái nhập (mẫu tự do, công ty tự soạn)
– Tờ khai xuất khẩu (theo hiện nay mẫu mới nhất)
Lưu ý là thời hạn tạm xuất phải chẵn. Ví dụ như 3 tháng, 6 tháng, 1 năm, 1 năm 6 tháng… không có trường hợp 3 tháng 2 tuần 5 ngày.
Trong một vài trường hợp, hải quan sẽ yêu cầu bạn trình giấy phép kinh doanh của công ty, nếu nhận thấy có dấu hiệu gian lận (mình thì chưa gặp bao giờ – nhưng có lần lên hải quan thấy người bên cạnh bị đòi hỏi vấn đề này).
Bước 3: Book hãng tàu hay hãng hàng không để có chỗ để hàng xuất đi. Quy trình này cũng giống như hàng xuất bình thường.
Bước 4: Làm thủ tục hải quan, nhớ là 100% sẽ phải kiểm hóa, và trên tờ khai, các bạn phải nêu rõ serial number hoặc model máy, hoặc một con số nào đó có trên hàng hóa. Vì lý do đưa ra là hải quan phải chắc chắn lúc nhập về là cái xuất đi này.
Bước 5: thông quan, cho lên tàu, máy bay và xuất đi. Quy trình này cũng giống như quy trình hàng xuất bình thường.
Bước 6: theo dõi hàng hóa, làm việc với agency tại nước ngoài về việc giao nhận hàng hóa. Lúc này toàn bộ là làm việc bằng email, điện thoại… vì mình không thể qua nước ngoài theo dõi việc tạm nhập hàng hóa.
Ở bước này, lưu ý một điều quan trong, agency nào làm thủ tục tạm nhập vào nước họ, thì lúc tái xuất ra chúng ta phải báo chính agency đó làm. Vì theo quy định nhiều nước, chẳng hạn là Singapore, sẽ bắt buộc nếu 1 forwarder làm hàng tạm nhập mà không tái xuất sẽ phải chịu phí phạt và đóng 7% thuế GST. Không nên mất tiền oan vì một phút lơ đễnh.
Kinh nghiệm của mình sau vài lần không để ý. Tạm nhập thằng này mà cho thằng khác làm tái xuất thì chịu tiền oan mạng, cũng mất uy tín đối với agency nước ngoài nữa.
Bước 7: đảm bảo thời gian tạm xuất luôn còn hạn hiệu lực, nếu thấy sắp đến hiệu lực mà hàng hóa chưa sửa chữa xong, hay thời gian thuê mướn được gia hạn thêm… thì bạn phải làm thủ tục gia hạn tờ khai tạm xuất.
Bộ hồ sơ cho quy trình này là:
– tờ khai tạm xuất bản gốc (liên do người xuất khẩu giữ) + bản photo sao y
– công văn xin gia hạn (mẫu mình cũng sẽ cung cấp sau)
– hợp đồng sữa chữa, thuê mướn, bảo hành…
– điều khoản, phụ lục có ghi gia hạn trong hợp đồng thuê mướn; hoặc email, công văn thông báo cần thêm thời gian sửa chữa, bảo hành, triễn lãm…
Sau khi trình hải quan, hải quan tại chi cục mở tờ khai tạm xuất sẽ ghi vào tờ khai của các bạn là gia hạn đến bao lâu, có đóng dấu chữ ký đàng hoàng.
Bước 8: Giả sử như hàng hóa chúng ta đã xong việc, cần tái nhập về, đây là lúc quan trọng mà bạn cần chú ý. Một số điểm phải lưu ý như sau:
– Hàng hóa phải đúng là món chúng ta đem đi (cùng serial number, model hay thông số trên tờ khai tạm xuất) -> có trường hợp gian lận bằng việc xuất đi hàng cũ, nhập về hàng mới.
– Giá trị hàng hóa sẽ không tính thuế, lúc xuất đi khai giá trị hàng hóa như thế nào thì lúc về cũng phải khai y chang. Nếu có khác biệt, các bạn phải chuẩn bị lý do giải trình.
– Sẽ tính thuế trong giá trị sửa chữa, giá trị cho thuê, bảo hành có phát sinh chi phí cũng sẽ tính thuế vào chi phí đó. Và thuế suất sẽ tính theo thuế suất hàng hóa đó.
– Hàng sẽ không chịu thuế VAT (điểm này quan trọng).
Sau khi xác định đầy đủ các yếu tố, các bạn liên hệ với forwarder nào làm tạm nhập hàng hóa bên nước ngoài, báo họ làm thủ tục tái xuất.
Book lịch tàu, lịch bay…Lấy B/L hay AWB khi hàng đã hoàn tất tái xuất và lên tàu đi về Việt Nam.
Bước 9: Làm thủ tục chào đón “em ấy”.
Các bạn chuẩn bị bộ hồ sơ tái nhập như sau:
– Tờ khai nhập khẩu. Lưu ý ghi như tờ khai xuất, đảm bảo không bị bắt bẻ, dĩ nhiên sẽ có một vài điểm khác biệt. Invoice sẽ khác vì bây giờ sẽ là Invoice do đối tác nước ngoài gửi cho mình, bắt buộc Invoice này phải có giá trị hàng hóa. (có thể báo nước ngoài làm giá trị hàng như lúc mình làm). Cũng có thể khác ở số kiện, số kgs (nếu chứng minh được hàng cần lắp thêm phụ tùng vào). Phải có giá trị sửa chữa để làm căn cứ tính thuế. Lưu ý phải ghi rõ tái nhập cho tờ khai tạm xuất nào vào ô ghi chép khác.
– Công văn tái nhập
– Invoice gốc của nước ngoài gửi cho mình.
– Packing List
– Tờ khai tạm xuất (bản chính + photo sao y)
– Hợp đồng sửa chữa, thuê mướn…
Sau khi đầy đủ bộ hồ sơ, các bạn lên chi cục hải quan nơi đăng kí tạm xuất để tiến hành làm thủ tục tái nhập. Thủ tục này cũng giống như chúng ta làm một lô hàng nhập bình thường. Tuy nhiên nên nhớ, 100% sẽ phải kiểm hóa. Đầu tiên hải quan sẽ soi các thông số trên hàng hóa có giống như trên tờ khai tạm xuất không.
Bước 10: Làm thủ tục lấy hàng.
Sau khi thông quan, các bạn làm thủ tục lấy hàng như hàng hóa kinh doanh bình thường.
Như vậy là xong một lô hàng tạm xuất – tái nhập bình thường.
Tài liệu kham khảo thêm:
Xem thêm:
VẬN CHUYỂN THỰC PHẨM SANG CANADA